MỤC LỤC:
===
Website thời nay không chỉ là trang thông tin giới thiệu công ty, trưng bày sản phẩm/dịch vụ, hay đơn thuần là mục giới thiệu của chủ doanh nghiệp, Website còn là nơi cung cấp kiến thức chuyên sâu vào ngách mà bạn đang theo đuổi.
Mục Blog trên Website là một nơi cực kỳ giá trị để làm điều đó.
Do đó, người người làm blog, nhà nhà viết blog. Và có lẽ chưa bao giờ cụm từ “hướng dẫn viết blog” lại được tìm kiếm nhiều như hiện giờ.
Khi mới bắt đầu viết blog, chúng ta thường có rất nhiều ý tưởng, ngỡ rằng viết mãi không bao giờ hết. Nhưng khi bắt tay vào làm, chúng ta mới vỡ lẽ hình như ý tưởng cũng có giới hạn.
Không chỉ có thế, trong quá trình viết chúng ta còn gặp hiện tượng trùng lặp nội dung. Nghĩa là trong bài này có ý A, thì sang bài tiếp theo ý A đó lại nằm trong mục B. Nội dung thôi chưa đủ, mà từ khóa cho bài này cũng trùng với bài kia tạo ra tình trạng “ăn thịt” lẫn nhau.
Thế đấy, biết bao nhiêu blog được hình thành để rồi bỏ ngỏ.
Tóm lại, nếu không có chiến lược rõ ràng ngay từ đầu… thì mệt!
Cho nên, mình chia sẻ bạn một phương pháp chiến lược giải quyết được những khó khăn, đó là Topic Cluster. Phương pháp này không chỉ giúp bạn luôn dạt dào ý tưởng, mà còn tổ chức nội dung trên Website một cách khoa học; để người dùng chỉ cần đường dẫn một bài viết là có thể kết nối hoặc mở khoá đọc các bài tiếp theo.
Trong bài viết này, cùng tìm hiểu với Huy:
Topic Pillar và Topic Cluster là gì?
Tại sao Topic Pillar và Topic Cluster lại quan trọng khi viết Blog?
Cách tham khảo Topic Pillar và Topic Cluster từ đối thủ
5 bước tạo Topic Pillar và Topic Cluster
Bắt đầu nào!
Topic Cluster là gì?
Topic Cluster (cụm chủ đề) sẽ giúp bạn:
Dù số lượng bài có lớn nhưng vẫn kiểm soát được
Từng nhóm nội dung rõ ràng không bị trùng lặp
Các nhóm nội dung, nội dung đơn lẻ được liên kết với nhau chặt chẽ
Phương pháp này làm được điều đó bởi vì Topic Cluster giống như một khu rừng. Khi từng nhóm chủ đề là một cái cây, trong đó phần gốc rễ là một bài viết tổng quan, các bài viết con xoay quanh như là cành lá. Các nhóm chủ đề này kết nối với nhóm chủ đề khác, như là từng rễ cây kết nối với rễ cây khác, cộng gộp lại tạo thành khu rừng.
Topic Cluster bao gồm:
Bài viết Topic Pillar (trụ cột): là bài viết tổng quan, bao quát một chủ đề rộng lớn trong lĩnh vực của bạn. Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về chủ đề, giải thích các khái niệm cơ bản, và liên kết đến các bài viết chi tiết hơn (Topic Cluster).
Topic Cluster (chủ đề con): là những bài viết chi tiết, tập trung vào các khía cạnh cụ thể của chủ đề trụ cột. Các bài viết này sẽ liên kết ngược lại với bài viết trụ cột, tạo thành một mạng lưới nội dung liên kết chặt chẽ.
Ví dụ: Bạn có một trang blog với Chủ đề du lịch, bạn sẽ xây dựng như sau:
Bài viết trụ cột 1: Du lịch bụi
Như vậy bạn sẽ triển khai các chủ đề con xung quanh bao gồm:
Lên kế hoạch cho chuyến du lịch bụi
Những vật dụng cần thiết khi đi du lịch bụi
Kinh nghiệm du lịch bụi tiết kiệm
Những địa điểm du lịch bụi hấp dẫn
Ẩm thực đường phố khi du lịch bụi
Chủ đề trụ cột 2: Nhiếp ảnh du lịch
Các chủ đề con:
Kỹ thuật chụp ảnh phong cảnh đẹp khi đi du lịch: Cách chụp ảnh chân dung tự nhiên khi đi du lịch
Chụp ảnh ẩm thực đường phố: Bí quyết để có những bức ảnh “ngon mắt”
Lưu giữ kỷ niệm du lịch bằng video: Hướng dẫn quay và dựng video du lịch
Xử lý ảnh du lịch bằng Lightroom/Photoshop: Những kỹ thuật cơ bản
Sau đó, liên kết chủ đề du lịch bụi với chủ đề nhiếp ảnh du lịch trong một bài viết cụ thể bất kỳ.
Bạn xem thêm một ví dụ nữa trực quan hơn về chủ đề "thiết kế website"
>>> Đọc thêm: Cấu trúc Website theo mô hình Topic Cluster
Tại sao Topic Cluster lại quan trọng khi viết Blog?
Phần đầu Huy cũng đã chia sẻ về những lợi ích quan trọng đối với Topic Cluster, sau đây Huy sẽ phân tích chi tiết hơn để bạn rõ.
Tổ chức và hệ thống hóa nội dung
Các bài viết Pillar giúp bạn có cái nhìn tổng quan về tất cả các chủ đề chính trong mục Blog, để rồi từ đó bạn triển khai các chủ đề con xung quanh dễ dàng hơn.
Tại sao lại dễ dàng hơn?
Bởi vì các nội dung lớn là những cụm chủ đề riêng biệt, sau đó mỗi bài viết nhỏ hơn lại đi sâu giải quyết một vấn đề cụ thể. Nhờ đó nội dung không bị lan man hay trùng lặp với nhau. Việc quản lý và cập nhật nội dung blog cũng trở nên đơn giản, đảm bảo nội dung luôn mới mẻ và hữu ích.
Nâng cao trải nghiệm người dùng
Topic Cluster giúp người dùng tìm thấy thông tin cần thiết một cách có hệ thống và chuyên sâu. Bài viết Pillar đóng vai trò như một bản đồ chỉ dẫn giúp người đọc tìm đến các bài viết chi tiết hơn (Topic Cluster), đi sâu vào từng khía cạnh cụ thể của chủ đề.
Ví dụ 1: Nếu blog của bạn về du lịch, bài viết Pillar có thể là "Du lịch Việt Nam", các Topic Cluster sẽ là "Du lịch miền Bắc", "Du lịch miền Trung", "Du lịch miền Nam". Người đọc có thể dễ dàng lựa chọn khu vực họ quan tâm và tìm hiểu sâu hơn.
Ví dụ 2: Topic Pillar về "Chăm sóc da" có thể bao gồm các Topic Cluster như "Làm sạch da", "Dưỡng ẩm", "Chống nắng", "Trị mụn",...
Cải thiện SEO
Topic Cluster giúp nội dung trên Website liên kết nội bộ chặt chẽ với nhau. Không chỉ là người dùng, mà Googlebot cũng cần được bạn giúp đỡ khi nó làm nhiệm vụ crawling (thu thập thông tin) để hiểu nội dung website, sau đó indexing và ranking bài viết trên công cụ tìm kiếm. Điều này giúp tăng lượt organic traffic.
Topic Cluster giúp điều hướng, bắt tín hiệu cho Googlebot biết các trang có liên quan mật thiết với nhau như thế nào. Tưởng tượng, Googlebot đi vào căn nhà Website của bạn thông qua Topic Cluster:
Bài viết Pillar chính là đại sảnh tiếp đón khách đến thăm nhằm giới thiệu tổng quan, khái quát về chủ đề chính mà website muốn truyền tải.
Topic Cluster là những khu vực, phòng ban nhỏ hơn, đi sâu vào một khía cạnh cụ thể của chủ đề chính.
Giữa các khu vực, phòng ban này có "lối đi" kết nối với nhau, đó chính là các liên kết nội bộ (internal link). Nhờ những lối đi này, khách tham quan có thể dễ dàng di chuyển và khám phá toàn bộ tòa nhà một cách thuận tiện.
Xây dựng thương hiệu
Bằng cách tập trung vào một chủ đề cụ thể và cung cấp nội dung chính xác, hữu ích, được kiểm chứng chuyên sâu, bạn sẽ khẳng định vị thế chuyên gia trong lĩnh vực đó, xây dựng lòng tin với độc giả, thu hút người đọc, tăng thời gian họ ở lại trên website, từ đó tăng độ nhận diện thương hiệu.
Ví dụ: Nếu website của bạn viết về chủ đề "Nuôi dạy con”, trong đó được chia thành các cụm chủ đề "Nuôi dạy con kiểu Nhật", "Giáo dục sớm", "Phát triển kỹ năng sống", “Nuôi dạy con bằng tình yêu thương”…thì tin Huy đi, chắc chắn không sớm thì muộn bạn cũng sẽ thu hút được lượng độc giả quan tâm đến lĩnh vực này và dần được công nhận là chuyên gia trong lĩnh vực đó.
Cách tham khảo Topic Pillar và Topic Cluster từ đối thủ
Quả thật, nói về lý thuyết thì rất đơn giản, nhưng để bắt tay vào thực hành được Topic Cluster này thì không hề dễ dàng. Bởi để tự thân thiết kế được một chuỗi bài Topic Cluster đòi hỏi bạn phải có lượng kiến thức đủ nhiều, để biết đâu là nội dung tổng quan, đâu là nội dung cần đào sâu.
Cách để vượt qua giai đoạn khó khăn này, đó là hãy đi nghiên cứu đối thủ. Tin mình đi, với chủ đề đã chọn chắc chắn đã có rất nhiều bên làm tốt việc này. Nhiệm vụ của mình là đi học hỏi mà thôi.
Bước 1: Xác định đối thủ cạnh tranh
Đối thủ trực tiếp của bạn là những website/blog có cùng chủ đề và "tranh giành" cùng đối tượng khách hàng với bạn. Ví dụ, nếu bạn có một blog về ẩm thực chay, đối thủ trực tiếp sẽ là những blog khác cũng viết về các món chay, công thức nấu ăn chay,...
Đối thủ gián tiếp tuy không trực tiếp "đụng chạm" đến chủ đề của bạn, nhưng lại nhắm đến cùng đối tượng khách hàng. Chẳng hạn, blog của bạn về du lịch bụi, đối thủ gián tiếp có thể là những website bán thiết bị du lịch, vé máy bay giá rẻ, hoặc blog chia sẻ kinh nghiệm phượt,...
Bước 2: Tìm kiếm Topic Cluster của đối thủ
Sau khi xác định được "đối thủ" rồi, bây giờ chúng ta sẽ đi "do thám" xem họ đang xây dựng những Topic Cluster như thế nào.
Các bạn có thể áp dụng một số cách sau:
"Lượn lờ" trang chủ/blog của đối thủ: Thường thì những chủ đề quan trọng nhất sẽ được họ trưng bày ngay trên trang chủ hoặc trang blog chính.
"Săm soi" mục lục/Navigation: Menu điều hướng giống như "bản đồ" của website vậy. Nó sẽ cho bạn thấy bức tranh tổng quan về cách họ phân chia chủ đề chính (Bài viết Pillar) và chủ đề con (Topic Cluster).
"Trổ tài" tìm kiếm Google: Các bạn hãy thử nhập từ khóa liên quan đến lĩnh vực của mình, sau đó chọn ra 3 bài viết của đối thủ được rank top đầu.
Sử dụng cú pháp: (Site:domain từ khoá)
Ví dụ: tìm kiếm từ khóa “du lịch bụi” sẽ ra được 3 đối thủ ranking top đầu như sau:
Sau đó đánh vào cú pháp (Site:kosshop.vn du lịch bụi). Trên thanh tìm kiếm sẽ cho ra hàng loạt bài viết của trang này có liên quan tới chủ đề du lịch bụi. Từ đây, bạn sẽ tham khảo nội dung từ đối thủ và chọn ra cho mình bài viết Pillar và Cluster. Tiếp tục nghiên cứu cho các website còn lại.
"Nhờ vả" các công cụ SEO: Nếu muốn "chuyên nghiệp" hơn, bạn có thể sử dụng các công cụ SEO như Ahrefs, SEMrush. Chúng sẽ giúp bạn phân tích backlink (liên kết từ website khác đến website của đối thủ) và cấu trúc website, từ đó "lộ diện" những bài viết theo Topic Cluster.
Bước 3: Phân tích Topic Cluster của đối thủ
Sau khi “lùng sục”khắp website của đối thủ, chúng ta cần "mổ xẻ" Topic Cluster của họ. Dựa trên kinh nghiệm của Huy, chúng ta cần chú ý đến những điểm sau:
Chủ đề chính: Họ đang "xoay quanh" chủ đề gì? Chủ đề đó có liên quan đến thị trường ngách của mình không?
Chủ đề con: Họ chia nhỏ chủ đề chính thành những nhánh nào? Cách chia này có hợp lý, logic không?
Loại nội dung: Họ sử dụng "vũ khí" gì để thu hút người đọc? Bài viết, Video, Infographic, hay podcast? Mỗi loại nội dung có ưu, nhược điểm gì?
Cấu trúc: Cách họ sắp xếp, tổ chức nội dung như thế nào? Có dễ hiểu, dễ điều hướng không? Người đọc có dễ dàng tìm thấy thông tin họ cần không?
Từ khóa: Họ sử dụng những "tuyệt chiêu" nào để "hút hồn" Google? Từ khóa chính, từ khóa phụ của họ là gì? Mật độ từ khóa có hợp lý không?
Điểm mạnh/điểm yếu: Hãy "soi" thật kỹ những điểm mạnh, điểm yếu của Topic Cluster đối thủ. Họ làm tốt ở điểm nào? Họ còn thiếu sót gì?
Phân tích kỹ càng những yếu tố này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về chiến lược của đối thủ, từ đó rút ra bài học cho riêng mình.
Bước 4: Học hỏi và áp dụng
Tuyệt vời! Sau khi "soi" kỹ đối thủ, giờ là lúc chúng ta áp dụng những gì đã học được vào website của mình. Dựa trên kinh nghiệm của bản thân, Huy có vài lời khuyên dành cho bạn:
Lấy cảm hứng: Hãy xem cách đối thủ tổ chức nội dung, lựa chọn chủ đề, sử dụng từ khóa,... như một nguồn cảm hứng. Đừng ngại học hỏi những điểm hay của họ!
Cải thiện Topic Cluster: Những thông tin "do thám" được sẽ giúp bạn "vá lỗi" và nâng cấp Topic Cluster của mình. Hãy bổ sung những chủ đề còn thiếu, tối ưu từ khóa, làm mới nội dung,...
Tạo sự khác biệt: "Học hỏi" không có nghĩa là "sao chép". Với kinh nghiệm thiết kế website của mình, bạn hoàn toàn có thể tạo ra những Topic Cluster độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân. Hãy tìm ra "điểm mạnh" của riêng mình và tận dụng nó để thu hút người đọc.
Ví dụ, bạn có thể thử:
Sử dụng hình ảnh, video chất lượng cao: Hình ảnh đẹp, video hấp dẫn sẽ giúp nội dung của bạn trở nên sinh động và thu hút hơn.
Tạo nội dung tương tác: Quiz, khảo sát, minigame,... sẽ giúp tăng sự tương tác với người đọc.
Xây dựng cộng đồng: Tạo forum, group,... để người đọc có thể trao đổi, thảo luận về chủ đề mà bạn đang viết.
Hãy nhớ rằng, mục tiêu cuối cùng là mang đến giá trị cho người đọc. Khi bạn tạo ra nội dung chất lượng, độc đáo và hữu ích, bạn sẽ tự động thu hút được sự chú ý của họ.
Lưu ý: Đừng chỉ tập trung vào một đối thủ duy nhất mà nên phân tích nhiều đối thủ để có cái nhìn tổng quan và học hỏi được nhiều hơn.
5 bước thực hiện Topic Pillar và Topic Cluster
Bước 1. Xác định bài viết trụ cột (Pillar)
Nghiên cứu từ khóa: Sử dụng các công cụ như Google Keyword Planner, Ahrefs, SEMrush để xác định các từ khóa quan trọng, có lượng tìm kiếm cao và phù hợp với lĩnh vực của bạn.
Phân tích đối thủ: Tìm hiểu xem các đối thủ cạnh tranh của bạn đang tập trung vào những chủ đề nào và cách họ tổ chức nội dung. Điều này giúp bạn nhận biết những xu hướng nội dung phổ biến và tìm ra cách tạo sự khác biệt.
Chọn chủ đề trụ cột: Dựa trên kết quả nghiên cứu từ khóa và phân tích đối thủ, hãy chọn ra một Topic Pillar (chủ đề trụ cột) phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của mình. Chủ đề trụ cột này cần phải có khả năng chia thành nhiều chủ đề nhỏ hơn, đồng thời thu hút sự quan tâm của đối tượng mục tiêu và có tiềm năng phát triển nội dung đa dạng.
Lưu ý: Chủ đề trụ cột là nền tảng cho chiến lược nội dung của bạn, vì vậy hãy dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng và lựa chọn chủ đề phù hợp nhất.
Bước 2. Xây dựng các chủ đề nhóm (Topic Cluster)
Đầu tiên chúng ta sẽ chia nhỏ bài viết trụ cột (Pillar) thành các chủ đề nhóm (Topic Cluster) cụ thể hơn.
Ví dụ: với chủ đề "Du lịch Việt Nam", các chủ đề nhóm có thể là "Du lịch miền Bắc", "Du lịch miền Trung", "Du lịch miền Nam", "Ẩm thực Việt Nam", "Văn hóa Việt Nam",...
Tiếp theo là xác định các từ khóa dài (long-tail keyword) liên quan đến từng chủ đề nhóm.
Ví dụ: Với chủ đề nhóm "Du lịch miền Bắc" các từ khóa dài có thể là "du lịch Sapa 2 ngày 1 đêm", "kinh nghiệm du lịch Hà Nội tự túc", "khách sạn giá rẻ ở Hạ Long",...
Bước 3: Liên kết nội bộ giữa các bài viết
Dẫn link từ bài Pillar sang Topic Cluster: internal link từ bài Pillar sang Cluster tối đa 4 -5 bài.
Dẫn ngược link về bài Pillar: tất cả các bài con đều dẫn ngược link về Pillar để điều hướng người dùng đọc lại bài tổng quan, đây cũng là các truyền sức mạnh giúp Googlebot chấm điểm bài Pillar tốt, dễ dàng rank top.
Bước 4: Lồng ghép sản phẩm/dịch vụ cần bán
Ngoài các liên kết nội bộ dẫn bài viết Pillar và Cluster qua lại với nhau, chúng ta còn có thể lồng ghép dẫn dắt người dùng vào sản phẩm/dịch vụ đang có.
Ví dụ: ebook, thu email, khoá học, coach 1-1…
Bước 5. Theo dõi và đánh giá
Chúng ta sẽ sử dụng Google Analytics để theo dõi lượng truy cập, thời gian trên trang, tỷ lệ thoát,... từ đó đánh giá hiệu quả của chiến lược Topic Cluster.
Ngoài ra, nên thường xuyên cập nhật nội dung cho các bài viết để đảm bảo tính chính xác và phù hợp với xu hướng tìm kiếm. Dựa trên kết quả theo dõi, điều chỉnh chiến lược nội dung để đạt hiệu quả tốt hơn.
Kết luận
Tóm lại, thông qua bài viết này, Huy đã chia sẻ với các bạn một cách đầy đủ về chiến lược Topic Cluster - bí quyết viết blog không cạn ý tưởng. Tuy nhiên Huy vẫn muốn nhắc lại với các bạn điều này:
Chất lượng nội dung là yếu tố quan trọng nhất. Hãy tập trung vào việc tạo ra nội dung hữu ích, giá trị và đáp ứng nhu cầu của người đọc.
Điều quan trọng thứ hai là phải hết sức Kiên trì và nhẫn nại. Xây dựng bài viết Pillar và Topic Cluster là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự đầu tư thời gian và công sức.
Chúc các bạn thành công phát triển blog của mình.