MỤC LỤC:
===
Tối ưu SEO để tăng organic traffic là điều mà bất cứ người xây dựng website nào cũng mong muốn. Để có được điều ấy, mọi người thường bắt đầu ngay với SEO Onpage: lên bộ từ khóa, chiến lược nội dung chuẩn SEO, kết nối internal lịnk…
Việc này không sai, nhưng chưa đủ.
Sau 8 năm làm nghề trong lĩnh vực Digital Marketing - đặc biệt là mảng Website, Huy biết để một Website được ranking tổng thể không chỉ có nội dung mà do nhiều thành tố hợp lại.
Giống như một công ty muốn hoạt động cần có: nguồn vốn, nguyên vật liệu, nguồn nhân lực, quy trình, hệ thống giấy tờ…thì một website muốn phát triển cũng tương tự như vậy. Để tạo ra dòng chảy organic traffic (lượt truy cập tự nhiên), bền vững và tự động hoá không chỉ một yếu tố mà là sự hợp sức của 5 trụ cột quan trọng trong SEO.
Vậy 5 trụ cột này là gì, cách nào để xây dựng nó? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ đầy đủ từ A-Z.
5 trụ cột này không dễ để thực hiện, các bạn cần đầu tư thời gian xây dựng nền tảng tầm 10-12 tháng. Nếu làm đúng, chắc chắn sẽ giúp bạn có một Website phát triển lâu dài.
Tầm quan trọng của Organic traffic
Organic traffic là gì?
Organic traffic (lượt truy cập tự nhiên) là số lượng người dùng truy cập vào website của bạn thông qua việc tìm kiếm từ khóa trên thanh công cụ tìm kiếm của Google, Bing, Yahoo,...Ngay khi truy vấn từ khoá, họ thấy được tầm 10 kết quả bài viết được lên top - là những bài viết được Google đánh giá là hay nhất, Google ưu tiên hiển thị những bài viết này để trả lời cho truy vấn từ khóa mà người dùng đã tìm.
Nói cách khác, khi người dùng tìm kiếm một thứ gì đó trên Google và nhấp vào liên kết đến trang website của bạn từ trang kết quả tìm kiếm, đó là organic traffic.
Organic traffic không cần tốn tiền để có được, bạn chỉ nội dung giá trị thì người dùng và cả Google sẽ đặc biệt ưu tiên website của bạn.
Thêm nữa, organic traffic là câu chuyện của công thức "lãi suất kép". Một bài viết được lên top sẽ gia tăng lưu lượng truy cập mà bạn không cần phải đổi mới quá nhiều.
Ví dụ: Bạn có một website bán sách và văn phòng phẩm. Khi ai đó tìm kiếm "sách nuôi dạy con" trên Google, kết quả top 1 trả về là bài viết với chủ đề “Top 10 cuốn sách nuôi dạy con từng giai đoạn mà cha mẹ nào cũng nên đọc” từ Website của bạn.
Người dùng nhìn thấy lập tức bị thu hút, họ mong chờ nhu cầu được giải quyết thông qua bài viết này. Họ nhấp vào liên kết, đó là một lượt truy cập tự nhiên.
Bí mật rank top của Google
Bạn có biết để một bài viết được rank top 100, top 10, và cuối cùng là top 1; Google đã trải qua những công đoạn chấm điểm nào? Nếu biết được bí mật này, bạn sẽ biết lý do và tầm quan trọng của 5 trụ cột SEO sắp được Huy chia sẻ bên dưới.
Google xếp hạng bài viết thông qua 3 bước Crawling, Indexing và Ranking. Quy trình này khá đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả.
Crawling (Thu thập thông tin)
Trong thế giới mạng rộng lớn, Google triển khai một đội quân "nhện" kỹ thuật số tí hon mang tên "Googlebot". Chúng như những chú nhện cần mẫn, không ngừng giăng tơ khắp mọi ngóc ngách của Internet, từ trang chủ đi vào chuyên mục, đi sâu vào từng bài viết…
Những con Googlebot này tỉ mỉ đọc mọi thứ từ văn bản, hình ảnh, video…cho đến những tệp tin đặc biệt. Tất cả những thông tin đọc được Google sẽ ghi nhớ, thu thập vào bộ nhớ của mình.
Indexing (Lập chỉ mục)
Sau khi Google đã dò tìm thông tin khắp nơi và lưu lại cơ sở dữ liệu vừa thu thập được, lúc này nhiệm vụ tiếp theo Google cần làm là xử lý dữ liệu và đưa vào “thư viện thông tin khổng lồ” của mình, sắp xếp từng trang website giống như phân loại những cuốn sách theo từng hạng mục trong một thư viện đồ sộ ngoài thực tế.
Để có thể phân loại chính xác theo chủ đề, Google cố gắng hiểu bằng cách phân tích từ khóa, tiêu đề, mô tả, cấu trúc, giao diện, mã code, các đường dẫn liên kết (internal link, external link, backlink). Google giống như một người biên tập cẩn trọng, xem xét từng trang để hiểu nội dung thật sự của trang.
Nếu nội dung trang website phù hợp với các tiêu chuẩn của Google (không chứa nội dung trùng lặp, không bị lỗi kỹ thuật, không vi phạm các nguyên tắc của Google), nó sẽ được lập chỉ mục và sẵn sàng xuất hiện trong kết quả tìm kiếm.
Ranking (Xếp hạng)
Sau khi bài viết được lập chỉ mục, bước tiếp theo là xếp hạng bài viết theo các tiêu chí của Google. Chỉ cần bài viết của bạn được lọt vào top 100, đó cũng là dấu hiệu cho biết bài viết của bạn đã đạt yêu cầu.
Khi người dùng tìm kiếm từ khóa, Google ngay lập tức sử dụng thuật toán của mình để xếp hạng các trang website/bài viết liên quan đến từ khoá vừa được tìm kiếm. Google hiểu ý định tìm kiếm ẩn bên dưới mỗi từ khoá để trả ra kết quả tốt nhất cho người dùng.
Mức độ liên quan của nội dung với từ khóa tìm kiếm.
Chất lượng nội dung: nội dung giá trị, không sao chép, không spam, không nhồi nhét từ khoá…
Trải nghiệm người dùng: tốc độ tải trang, tính thân thiện với thiết bị di động, tính bảo mật…
Độ uy tín của trang: Backlink từ các trang uy tín, tương tác người dùng…
…
*Lưu ý khi vừa mới xuất bản, Google sẽ thử cho bạn lên top 1 trong khoảng thời gian ngắn để đánh giá tương tác người dùng. Nếu nội dung bạn chất lượng, Google sẽ ưu tiên thêm traffic. Nếu nội dung không chất lượng, Google sẽ nhanh chóng chấm điểm tụt hạng.
Sau bước ranking, nếu bài viết của bạn được lên top 1 không có nghĩa là nó sẽ mãi ở vị trí ấy. Google sẽ liên tục đánh giá chất lượng của bạn so với đối thủ. Nếu đối thủ liên tục cải tiến, họ sẽ vươn lên dẫn đầu và đẩy bạn tụt hạng. Do đó, đừng chủ quan mà hãy liên tục theo dõi và tối ưu bài viết.
>>> Đọc thêm: Bí mật rank top Google Ads
5 trụ cột SEO tổng thể giúp tăng organic traffic
Để đáp ứng đủ các tiêu chí giúp Google dễ dàng Crawling - Indexing - Ranking Website của bạn. Chúng ta cần xây đủ 5 trụ cột bên dưới.
Sau phần hiểu về khái niệm từng trụ cột, Huy sẽ chia sẻ thêm về các bước thực hiện theo thứ tự để đạt hiệu quả tốt nhất.
Technical SEO
Bạn tưởng tượng website như một ngôi nhà thì Technical SEO là quá trình xây dựng nền móng và thiết kế "bản vẽ" ngôi nhà giúp bạn bè (công cụ tìm kiếm) dễ dàng tìm đến và khám phá.
Chúng ta sẽ phân tích Technical SEO như một bảng hướng dẫn đến căn nhà. Cách ví dụ trực quan sinh động này hy vọng sẽ không làm bạn cảm thấy khó khăn với những thuật ngữ chuyên ngành.
Bước đầu tiên, mở đường cho khách đến chơi:
Sử dụng sitemap: Giống như "bản đồ chỉ dẫn" giúp khách dễ dàng tìm thấy từng phòng trong ngôi nhà.
Tối ưu robots.txt: Như "bảng thông báo" cho khách biết phòng nào được phép vào, phòng nào không.
Khắc phục lỗi 404: Đảm bảo không có "con đường cụt" nào làm khách lạc lối.
Sử dụng thẻ canonical: Tránh "sao chép" phòng ốc, giúp khách không bị nhầm lẫn.
Tối ưu thẻ meta robots: "Gắn nhãn" cho từng phòng, giúp khách hiểu rõ chức năng của mỗi phòng.
Bước thứ hai, trang trí ngôi nhà thật đẹp:
Tối ưu tốc độ tải trang: Giúp khách tham quan ngôi nhà một cách nhanh chóng và thoải mái. Họ không có cảm giác chờ đợi ngoài cửa để có thể khám phá ngôi nhà.
Sử dụng AMP: Tạo "phiên bản thu nhỏ" của ngôi nhà cho những khách di chuyển bằng điện thoại.
Bước thứ ba, sắp xếp đồ đạc gọn gàng:
Sử dụng cấu trúc URL thân thiện: Đặt tên cho từng phòng thật ngắn gọn, dễ nhớ và liên quan đến chức năng của phòng.
Liên kết nội bộ hiệu quả: "Nối liền" các phòng có liên quan với nhau, giúp khách di chuyển dễ dàng.
Sử dụng dữ liệu có cấu trúc: "Ghi chú" rõ ràng chức năng của từng đồ vật trong phòng, giúp khách hiểu rõ hơn về ngôi nhà.
Bước thứ tư, đảm bảo an ninh cho ngôi nhà:
Bảo mật website (HTTPS): Lắp đặt "hệ thống an ninh" để bảo vệ ngôi nhà không bị đột nhập.
Tối ưu hóa cho thiết bị di động: Đảm bảo ngôi nhà giữ đúng cấu trúc, thân thiện khi sử dụng thiết bị khác để xem ngôi nhà.
Quốc tế hóa (hreflang): "Dịch thuật" thông tin về ngôi nhà sang nhiều ngôn ngữ khác nhau, chào đón khách từ khắp nơi trên thế giới.
Với những hạng mục Technical SEO bên trên, bạn có thấy người thiết lập những mục này trong website của bạn giống như "người kiến trúc sư". Mặc dù những hạng mục trên không được thể hiện ra bên ngoài, nhưng Googlebot có thể hiểu và đánh giá chấm điểm nếu bạn làm tốt.
Xây dựng Entity (Thực thể)
Khái niệm về Entity Building khá khó hiểu vì rất nhiều thuật ngữ chuyên ngành, nhưng nếu bắt tay vào làm bạn sẽ thấy đơn giản hơn.
Xây dựng thực thể (Entity Building) là quá trình giúp Google hiểu rõ và phân loại Website của bạn vào chủ đề, đối tượng thành một cụm liên quan đến nhau. Khi người dùng tìm kiếm về chủ đề đó, Google dễ dàng “nhận diện” và đề xuất trang của bạn là một nguồn tin cậy. Bạn có thể tưởng tượng Entity Building giống như việc lập “hồ sơ” để Google biết ai bạn là ai và lĩnh vực bạn liên quan đến.
Nói đơn giản, việc xây thực thể giống như bạn đang giúp Google hiểu rõ hơn “chủ đề chính” của Website và những gì xung quanh nó.
Lấy một ví dụ, khi bạn nhắc đến "Đà Nẵng", Google sẽ hiểu ngay đó là một thành phố, một điểm du lịch nổi tiếng với những bãi biển xinh đẹp, những cây cầu ấn tượng và nền ẩm thực phong phú. Google còn biết Đà Nẵng có Bà Nà Hills, có sông Hàn, có lễ hội pháo hoa,...Xây dựng Entity để khi cần tra cứu một khía cạnh thì ngay lập tức các mối kết nối xung quanh cũng được dẫn dắt theo.
Google không muốn hiểu đơn lẻ một thông tin, nó muốn nhìn thấy bức tranh toàn cảnh để có thể đưa ra kết quả chính xác hơn cho người dùng khi họ truy vấn từ khóa.
Để thiết lập Entity căn bản, chúng ta sẽ có 3 bước:
Bước 1: Đăng tải giới thiệu thông tin doanh nghiệp trên mạng xã hội (Social Entity Building)
Bước này giúp tăng nhận diện thương hiệu trên các nền tảng mạng xã hội. Chúng ta cần hoàn thành các danh sách sau:
Xây dựng hồ sơ doanh nghiệp: Cập nhật thông tin công ty, địa chỉ, số điện thoại, giờ hoạt động, liên kết đến website và các thông tin nổi bật (sứ mệnh, giá trị, giải thưởng).
Nội dung giới thiệu doanh nghiệp (Bio): Viết bài giới thiệu về người chủ website, thông tin nổi bật về dịch vụ/sản phẩm cùng hình ảnh và video minh họa (nếu có) trên các nền tảng như Facebook, Instagram, LinkedIn, và Twitter. Nội dung cần đảm bảo ngắn gọn, thu hút và dễ chia sẻ.
Nội dung các thông tin chính sách: bản quyền, hoàn tiền, bảo mật, bảo hành…
Lên danh sách List social Offsite SEO & Entity offsite: bắt đầu đẩy thông tin lên các site đã có.
Bước 2: Tối ưu hóa Google Maps
Bước này đảm bảo Website dễ dàng xuất hiện trên Google Maps khi người dùng tìm kiếm liên quan đến lĩnh vực hoặc vị trí của bạn.
Các bước thực hiện:
Cập nhật đầy đủ thông tin Google My Business (GMB): Cập nhật đầy đủ thông tin về địa chỉ, giờ làm việc, số điện thoại, trang website.
Đăng tải hình ảnh và video: Hình ảnh về sản phẩm dịch vụ giúp hồ sơ thêm hấp dẫn.
Đánh giá từ khách hàng: Hãy mời khách hàng để lại đánh giá tích cực bằng cách chấm sao và viết bình luận.
Tối ưu từ khóa trong GMB: Sử dụng các từ khóa chính liên quan đến sản phẩm/dịch vụ khi điền mô tả doanh nghiệp trên Google Maps để cải thiện xếp hạng.
Một số trường hợp Freelancer, Solo chưa có địa chỉ văn phòng thì trong mục Google My Business, bạn có thể chọn "Dịch vụ không có vị trí cố định" (Service Area Business - SAB). Đây là cách cho phép bạn thiết lập một tài khoản Google Maps mà không cần địa chỉ cố định.
Bước 3: Triển khai Syndication cho các URL của website
Thiết lập Syndication thoạt nghe khá giống với đi backlink, nhưng khác biệt là ở chỗ để một website khác đăng tải chính xác nội dung của mình (cụ thể ở đây là Blog của website mình). Còn backlink là xây dựng liên kết trỏ về website, không cần đặt nội dung lên trang khác.
Nội dung Syndication xuất hiện có thể là toàn phần hoặc một đoạn ngắn đã được chỉnh sửa và có gắn link bài phát tán tương ứng về website mình.
Cách triển khai Syndication giúp tăng lưu lượng truy cập vào website thông qua việc chia sẻ các bài viết hoặc trang sản phẩm trên các nền tảng khác.
Có 2 lưu ý quan trọng để chiến lược Syndication, đó là:
Xác định nội dung quan trọng cần phát tán: Chọn các URL chủ chốt của website (như bài blog có giá trị cao, trang sản phẩm, hoặc dịch vụ nổi bật) để phát tán trên các trang website đối tác hoặc nền tảng phù hợp (như Medium, LinkedIn, hoặc các trang báo, tạp chí trực tuyến).
Tìm kiếm các trang website hoặc đối tác phù hợp để syndication: Tìm các nền tảng hoặc website có cùng lĩnh vực, hoặc có tệp khách hàng tương tự và đề xuất chia sẻ lại nội dung có liên quan dẫn về trang của bạn.
Với 3 bước như trên, Huy chắc chắn bạn sẽ triển khai Entity rất hiệu quả.
SEO Onpage
Rồi, tới bước SEO Onpage. Một thuật ngữ mà có lẽ các bạn đã nghe đến rất nhiều lần. Nhiều lần đến nỗi mà nhiều người đã lầm tưởng SEO Onpage là duy nhất khi làm SEO.
Cho nên, ngay từ đầu bài mình đã nhấn mạnh đến SEO Onpage để giải quyết hiểu lầm của bạn.
Huy sẽ đưa ra checklist tham khảo từ bên GTV SEO (Agency hàng đầu về Đào tạo SEO và cung cấp Dịch vụ SEO chuyên nghiệp tại Việt Nam). Bạn đọc qua sẽ thấy rất quen thuộc, có thêm những công cụ nâng cao.
SEO Onpage căn bản: có thể làm ngay
Tối ưu URL, title, meta description
Heading 1, heading 2-3
Keyword Density
Content Unique đáp ứng search intent
Tối ưu SEO hình ảnh
Tối ưu Semantic - LSI Keyword
Bôi “strong” keyword chính, phụ
TOC (Table of Content - Mục lục)
SEO Onpage nâng cao: cần được đào tạo bài bản
Featured Snippets
Internal link và Outbound link
Blockquote
Tối ưu tiêu đề nâng cao
Content Gap
Schema Markup
E-E-A-T
Vây tối ưu SEO Onpage là gì?
SEO Onpage là tập hợp các kỹ thuật tối ưu hóa các yếu tố trên website nhằm cải thiện thứ hạng trang web trên công cụ tìm kiếm, giúp website tăng traffic và có nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng tiềm năng.
Việc tối ưu SEO Onpage rất quan trọng, nó gắn liền với bộ từ khoá và chiến lược nội dung. Cho nên ngay khi bắt đầu có ý tưởng làm website, bạn nên tuân thủ chặt chẽ theo quy trình SEO Onpage. Ngay khi nội dung đã hoàn thành, bạn đẩy nội dung lên và tối ưu một cách chỉn chu nhất. Càng làm tốt khâu này bao nhiêu thì việc tối ưu Entity hiệu quả bấy nhiêu.
Một số lợi ích SEO Onpage có thể kể ra, như là:
Tăng thứ hạng website trên công cụ tìm kiếm, đồng nghĩa tăng lượng truy cập
Tăng chuyển đổi mua hàng nếu chọn từ khoá đúng
Tăng độ nhận diện thương hiệu với các từ khoá phổ thông được lên top
Bền vững, tối ưu chi phí vì chỉ cần tập trung nội dung thay vì quảng cáo
Nâng cao trải nghiệm người dùng nếu biết kết hợp thêm UX/UI
Đây là phương pháp White Hat được Google ưu ái
Ngược lại với SEO Onpage, chúng ta có SEO Offpage.
SEO Off-page
SEO offpage là tất cả những phần việc còn lại nằm ngoài phạm vi website. Nếu nói SEO Onpage là việc bạn trang trí cho "cửa hàng" của mình thật đẹp mắt, thì SEO Offpage giống như việc đi kết nối với các cửa hàng khác xung quanh khu phố, nói với họ rằng hãy giới thiệu khách hàng biết đến website của tôi bằng những đường dẫn ngược trở về.
Đó gọi là link building.
SEO Off-page yêu cầu bạn đi xây dựng các liên kết tới các bên khác. Họ dẫn ngược link về như một lời giới thiệu, một lời khen từ những người khác. Càng nhiều người khen, Google càng tin tưởng và đánh giá cao website của bạn.
Vậy làm thế nào để có được những lời khen này?
Viết bài giới thiệu (Guest Post) : Hãy viết những bài viết chất lượng về lĩnh vực của bạn và đăng trên các website uy tín khác. Trong bài viết, bạn có thể khéo léo giới thiệu về website của mình.
"Khoe" trên mạng xã hội: Chia sẻ những thông tin thú vị, những bài viết hữu ích lên Facebook, Instagram, Twitter,... để thu hút sự chú ý của mọi người.
Tham gia các diễn đàn: Tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến trên các diễn đàn, blog liên quan đến lĩnh vực của bạn và giới thiệu ngược về website của mình.
Sử dụng IFTTT: IFTTT giống như một "trợ lý ảo" giúp bạn tự động chia sẻ thông tin về website trên nhiều nền tảng khác nhau.
Social bookmarking: "Đánh dấu" website của bạn trên các trang web lưu trữ liên kết, giúp người khác dễ dàng tìm thấy bạn.
…
Vẫn còn nhiều cách khác nhau để làm SEO Off-page, bạn tìm hiểu thêm.
UX/UI
Bạn tiếp tục tưởng tượng Website như một ngôi nhà, 4 trụ cột được chia sẻ ở trên là nền móng, là cấu trúc, là pháp danh, là nội dung từng phòng, là thành viên bên trong. Thì UX/UI chính là việc thiết kế và trang trí ngôi nhà sao cho đẹp mắt, tiện nghi, để khách đến cảm thấy thoải mái.
UX (Trải nghiệm người dùng) giống như cách bạn bố trí ngôi nhà giúp khách đến dễ dàng tìm thấy thông tin cần thiết, các lối đi thông thoáng, mọi thứ ở đúng vị trí. UX tốt giúp khách thoải mái khám phá website, tương tác lâu hơn và quay lại nhiều lần.
UI (Giao diện người dùng) là tất cả những gì khách nhìn thấy từ màu sắc, hình ảnh, font chữ, đến bố cục và các nút bấm. UI tạo nên vẻ đẹp và thu hút khách ngay từ cái nhìn đầu tiên, giống như ngôi nhà được trang trí tinh tế.
Nói đến đây bạn cũng biết tại sao UX.UI quan trọng khi tối ưu SEO rồi phải không? Bởi nó tốt cho người dùng.
Không chỉ người dùng, máy học Googlebot cũng ưu ái "những ngôi nhà đẹp và tiện nghi nhất". Người dùng ở lại lâu trên trang, tương tác bấm vào các nút. Mọi thao tác của người dùng đều được các công cụ đo lường ghi nhận, Googlebot biết hết tất cả những điều này. Nó sẽ xếp hạng website tốt hơn.
Một số checklist cần làm UX/UI:
Tốc độ tải trang
Thân thiện với di động
Điều hướng rõ ràng
Nội dung dễ đọc
Nút kêu gọi hành động
Vậy là Huy đã chia sẻ xong 5 trụ cột quan trọng giúp tối ưu SEO trên Website. Cùng ôn lại:
Technique SEO: Tối ưu hóa kỹ thuật giúp công cụ tìm kiếm thu thập dữ liệu và lập chỉ mục website tốt hơn.
Entity: Xây dựng danh tiếng và uy tín cho thương hiệu qua các thực thể liên quan mà Google dễ nhận diện.
SEO Onpage: Tối ưu nội dung, từ khóa và cấu trúc trang để cải thiện thứ hạng trực tiếp trên website.
SEO Offpage: Xây dựng liên kết và tín hiệu bên ngoài để tăng uy tín và thứ hạng website.
UX/UI: Tạo trải nghiệm và giao diện thân thiện để người dùng thoải mái khi sử dụng website.
Bạn xem mình đã có trụ cột nào, nên tiếp tục làm phần nào. Và theo dõi tiếp các bước thực hiện bên dưới.
>>>Đọc thêm: Bussiness Online của bạn đang có loại Media nào?
Lộ trình căn bản hoàn thiện 5 trụ cột
Khi mới bắt đầu làm Website, bạn nên làm song song cả Technique SEO và Entity.
Đối với Technique SEO thông thường sẽ liên quan đến phần kỹ thuật nhiều. Bạn nên thuê ngoài hoặc nhờ người có kinh nghiệm hướng dẫn để hoàn thiện danh sách hạng mục kỹ thuật quan trọng. Huy nghĩ tốt nhất là nên thuê người có chuyên môn làm luôn. Bởi vì nếu làm đúng ngay từ đầu thì sau này sẽ ít chỉnh sửa hơn, và nếu có nâng cấp lên khi quy mô mở rộng cũng dễ hơn.
Song song với kỹ thuật, bạn nên kết nối Entity để Google kịp thời nhận diện và đánh giá cao website, tạo nền tảng vững chắc cho các hoạt động SEO khác. Mục Entity này nếu chưa có kinh nghiệm bạn cũng có thể nhờ, nhưng các hạng mục căn bản như Huy có giới thiệu ở trên thì bạn tự làm cũng được.
Rồi, như vậy là đã xong phần nền tảng. Hai mục này để hoàn thiện cũng tốn gần 2 tháng mới xong. Khi bạn thấy bắt đầu ổn hơn, có thể đi tiếp qua phần SEO Onpage.
Bạn tiếp tục làm SEO Onpage, đó là tối ưu nội dung và cấu trúc trang, đảm bảo website cung cấp thông tin hữu ích, dễ tiếp cận cho người dùng. Để lên được nội dung và cấu trúc trang bắt buộc phải có bộ từ khoá.
Do đó, bạn cần lên được chiến lược bộ từ khoá đi theo chân dung khách hàng, hành trình khách hàng. Giai đoạn làm SEO Onpage cũng mất từ 5-6 tháng.
Tiếp theo, khi nội dung và cấu trúc trang đã ổn hơn. Bạn tiếp tục bước UX/UI, tối ưu trải nghiệm và giao diện người dùng, giúp khách hàng cảm thấy thoải mái, tăng tỷ lệ tương tác và giữ chân người dùng lâu hơn. UX/UI mất tầm 2 -3 tháng.
Và cuối cùng là SEO Offpage, là xây dựng backlink và các tín hiệu bên ngoài để tăng uy tín cho website và cải thiện thứ hạng bền vững. Giai đoạn cuối cũng tốn thời gian khoảng 2 tháng.
Với lộ trình này, mong là bạn không quá bối rối với 5 trụ cột SEO.
Bài viết quá dài rồi, Huy sẽ dừng lại đầy để bạn tiếp tục đọc và ứng dụng. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, đừng ngần ngại bình luận bên dưới.